Faker trở thành nạn nhân trong đường dây cá cược Trung Quốc

0
1971

Những người chơi được xếp chung đội với Faker đã cố tình phá game để thua trận. Hành vi phi thể thao này chỉ để phục vụ cho mục đích giành chiến thắng trong cá cược.

Những tưởng tình trạng bán độ chỉ xảy ra ở các trận đấu chuyên nghiệp. Nhưng không, ngay cả những trận đấu rank thông thường cũng có sự “nhúng chàm”. Những người chơi có hành vi phi thể thao nhằm mục đích giành chiến thắng trong những trận cá cược.

Cụ thể, những trận đấu có sự xuất hiện của các tuyển thủ hoặc streamer và được phát trực tiếp trên các kênh stream, đều được các nhà cái Trung Quốc đưa vào danh sách “đặt cược”. Theo thống kê của tờ Inven Global, Faker là cái tên được đưa vào danh sách cá cược nhiều nhất. Tất cả các trận đấu được phát trên kênh Twitch của tuyển thủ này đều bị đem ra cá cược.

Tuy nhiên, thay vì chỉ theo dõi và đoán xem liệu tuyển thủ, streamer đó có giành chiến thắng hay không, thì các “con bạc” lại sử dụng một chiêu trò rất đáng lên án, đó là troll rank. Đa phần những con bạc sẽ đặt vào cửa thua của team Faker. Sau đó, khi được xếp chung đội với Qủy Vương, họ sẽ cố tình “feed lấy feed để” để nhận về kết quả như mình đã đặt.

Những hình ảnh dưới đây cho thấy dấu hiệu rất rõ của hành vi cố tình phá game để thua khi chung team với Faker:

Akali trong tay Faker với KDA 8/3/1, gánh còng lưng cũng không đỡ nổi cho những người chơi khác: Fiora 0/5/2, Graves 0/4/4, Draven 4/10/7, Sett 2/10/7.

Một trận đấu khác, Sylas trong tay Faker với KDA 8/4/2. Trong khi đó, KDA của Kindred là 3/10/6 và của Tristana là 0/10/1. Nên biết, ở các bậc rank cao, việc bị hạ gục đến 10 mạng là điều rất hiếm khi xảy ra, trừ khi người chơi này cố tình bị hạ.

Thời gian gần đây, Faker cũng thường xuyên lên tiếng, bức xúc về việc các đồng đội của mình trong những trận rank luôn có hành vi phá game, ngăn cản anh giành chiến thắng. Có lẽ đội trưởng của T1 không biết rằng đó là hành vi cố ý phá hoại để thỏa chiêu trò cá cược.

Được biết, mức rank cuối mùa 2020 của Faker là Cao Thủ 169 điểm với 582 trận thắng và 581 trận thua. Số trận thua gần như là tương đương với trận thắng. Điều này càng cho thấy rõ thắng thua trong mỗi trận đấu của Faker đã không còn phụ thuộc vào kỹ năng, trình độ hay sự cố gắng nữa rồi.

Không chỉ riêng Faker, hầu hết các trận đấu của các thành viên khác trong T1 cũng được đưa lên sàn cá cược. Các nhà cái Trung Quốc thậm chí còn chặn hoàn toàn địa chỉ IP nước ngoài, những số liệu về cá cược có được ở trên là nhờ một CTV địa phương ở Trung Quốc của Inven thâm nhập và thu thập thông tin.

Chưa hết, đường dây cá độ này còn được cho là có sự nhúng tay của một số cá nhân hoạt động trong ngành Esports chuyên nghiệp. Thực tế thì đây mới chính là những người có khả năng góp mặt trong các trận đấu rank cao và dễ dàng dàn xếp kết quả nhất. 

Vừa qua, Riot Trung Quốc cũng đã nhận được khiếu nại về trường hợp của Blue – Quản lý team Legend Esport Gaming (LEG) – một đội tuyển đang thi đấu tại giải hạng 2 Trung Quốc. Theo như khiếu nại, Blue có hành vi ép buộc các tuyển thủ trong team tham gia cá cược, bán độ. Nếu thành viên nào không đồng ý sẽ bị chèn ép, bài xích.

Một số nguồn tin trên Twitter cũng khẳng định rằng Blue có tham gia vào đường dây cá cược rank Hàn. Những trận đấu mà các tuyển LEG bị ép buộc tham gia bán độ không chỉ là các trận đấu giải, mà cả những trận leo rank thông thường.

Rõ ràng, cùng với sức phát triển tích cực của thể thao điện tử thì các hành vi tiêu cực, phi thể thao cũng trở nên nhan nhản. Thiết nghĩ, Riot Games cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi cá cược, bán độ để đảm bảo tính minh bạch của thể thao chân chính.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here